Tin tức

[Lĩnh vực Sản xuất] - COMIT cùng các doanh nghiệp điện tử Việt Nam tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

May 12, 2023

Đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga – Ukraine đang tạo ra những làn sóng chuyển dịch đầu tư và làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong ngành công nghiệp điện tử và lĩnh vực sản xuất chip. Sự thay đổi này tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nội địa…

Đây là những nhận định được bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhấn mạnh trong hội thảo kết nối công nghiệp 4.0 do Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) và Ban tổ chức triển lãm ITAP 2023 tại Singapore tổ chức ngày 10/5 vừa qua.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) chia sẻ tại hội nghị

Tham gia hội thảo, COMIT và các doanh nghiệp điện tử Việt Nam cùng gia tăng kết nối, và cập nhật những xu thế mới trên thị trường, tìm hiểu các cơ hội hiện tại trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu. Cụ thể, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay đã có nhiều hãng lớn, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng công nghiệp điện tử đã dịch chuyển từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam, tìm kiếm nhà máy sản xuất và triển khai chuỗi cung ứng. Điển hình là gần đây có các thông tin về việc hãng sản xuất Apple đang tiến hành sản xuất các dòng sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, laptop…, kéo theo sự gia tăng các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử hỗ trợ đi kèm.

Thứ hai, Việt Nam cũng có cơ hội tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khó tính và một số thị trường mới do sự điều chỉnh chuỗi cung ứng. Bà Hương cho hay, thời gian gần đây Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ các nước châu Âu, Đông Âu (cũ), Nga… mời gọi xúc tiến đầu tư và xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này.

Thứ ba là xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất đang tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư FDI lớn và chất lượng trong ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chip. Minh chứng là hãng sản xuất chip Amkor vừa gia tăng mức đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của một “ông lớn” công nghệ khác cũng đang xem xét nghiên cứu, tìm vị trí đặt nhà máy…

Thứ tư, các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam cũng như phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA… diễn ra khẩn trương, tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là điện tử.

Ngoài ra, chia sẻ tại hội thảo, ông Darren Seah, Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (ITAP) bày tỏ: Việt Nam đã thu hút được nhiều tập đoàn điện tử lớn trên thế giới như Samsung, LG, Intel, Canon…, điều nay chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn đặt mình vào vị thế là trung tâm sản xuất điện tử không chỉ của Đông Nam Á mà của cả châu Á, bên cạnh đó cũng hình thành được mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ngành điện tử tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ luôn có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, ông cho rằng điều quan trọng nhất với doanh nghiệp Việt Nam là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ các đối tác để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

Ông Darren Seah, Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (ITAP) chia sẻ

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tham gia triển lãm ITAP 2023, được tổ chức tại Singapore, nơi đổi mới sáng tạo, công nghệ và doanh nghiệp Châu Á và trên thế giới hội tụ. Tại đây, các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm các giải pháp hàng đầu, sẵn sàng cho tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh thực tế, cũng như giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất và công nghệ của đất nước.

Không nằm ngoài những xu thế chung của thị trường, COMIT luôn đồng hành với các doanh nghiệp sản xuất điện tử, cung cấp những giải pháp đo kiểm chất lượng như tủ thử nghiệm môi trường, thiết bị thử độ tin cậy, thiết bị thử nghiệm cơ lý tính, các giải pháp phân tích áp dụng trí tuệ nhân tạo đến từ các hãng sản xuất hàng đầu trên thế giới. Với danh mục giải pháp rộng khắp, COMIT tin tưởng rằng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất điện tử tối ưu chi phí sản xuất, giảm thiểu các lỗi hỏng hóc, tiết kiệm thời gian và nhân lực cho doanh nghiệp, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe mà khách hàng yêu cầu, từ đó tham gia vào thị trường sản xuất điện tử toàn cầu trong tương lai.

Đại diện của COMIT đang thảo luận cùng ông Darren Seah

Về COMIT Corporation:

Kể từ khi thành lập tới nay, COMIT đã dần trở thành nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực với các giải pháp và dịch vụ đo kiểm, tối ưu hóa mạng RAN, hệ thống hỗ trợ BSS/OSS trong lĩnh vực Viễn thông. Với hơn 250 nhân viên nhiệt huyết, sáng tạo, được dẫn dắt bởi đội ngũ ban lãnh đạo giàu kinh nghiệm và các công ty con tại 03 nước (Việt Nam, Myanmar, Philippines), COMIT đang cung cấp những giải pháp và dịch vụ phù hợp nhất cho các khách hàng trên toàn cầu, từ Đông Nam Á đến Châu Phi. Tiếp tục sứ mệnh đem đến những giải pháp sáng tạo cho khách hàng trong khắp các ngành, COMIT mở rộng danh mục giải pháp sang các lĩnh vực mới, bao gồm các giải pháp Đo kiểm chất lượng, Số hóa quản lý chất lượng, Ứng dụng AI Vision trong Kiểm soát chất lượng, Nhà máy thông minh trong các lĩnh vực Công nghiệp Chế biến chế tạo gồm: Sản xuất Điện tử & Bán dẫn, Sản xuất (linh kiện) ô tô / xe điện, Sản xuất pin và pin xe điện, Sản xuất trạm sạc xe điện, Sản xuất cơ khí chính xác và hàng không vũ trụ. Với mô hình hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp và văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm, COMIT cam kết gia tăng các giá trị cho khách hàng, cổ đông và cung cấp những cơ hội đầy triển vọng cho đội ngũ nhân viên.

Nguồn: https://vneconomy.vn/4-co-hoi-lon-cho-nganh-cong-nghiep-dien-tu-viet-nam.htm